Nguyên tắc Anticipation là một trong những nguyên tắc quan trọng trong đồ họa chuyển động, giúp tạo ra những phân đoạn chuyển động mượt mà và chân thực hơn. Nguyên tắc này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hành động sắp xảy ra, giúp cho người xem cảm nhận được sự chuẩn bị của các nhân vật hoặc đối tượng trước khi chuyển động thực sự diễn ra.
Nguyên tắc Anticipation là gì?
Trong 12 nguyên tắc của hoạt hình do Walt Disney và các cộng sự khám phá và tổng hợp lại, thì anticipation là nguyên tắc thứ hai được nhắc đến sau squash and stretch. Vậy anticipation là gì?
Theo từ điển Oxford, anticipation có nghĩa là sự trông đợi một điều gì đó sắp xảy ra.
Trong khi đó, đối với Frank Thomas và Ollie Johnston, trong cuốn “The Illusion of Life” (nơi 12 nguyên tắc lần đầu tiên được đúc kết), thì anticipation có ý nghĩa báo hiệu cho khán giả xem hoạt hình chuẩn bị cho sự chuyển động tiếp theo, trước cả khi chuyển động đó được thực hiện.
Hãy quan sát ví dụ của anticipation (ảnh 2) ở hình ảnh sau đây:
Anticipation, có thể nói, là sự báo hiệu một cách khéo léo và nhẹ nhàng rằng, có gì đó “mới mẻ” chuẩn bị xảy ra, và bạn phải xem tiếp thì mới biết được.
Anticipation vì thế là một nguyên tắc khá quan trọng trong số 12 nguyên tắc được nhắc đến. Tuy nhiên anticipation thường bị bỏ quên khi các animators đang mải mê với các tạo dáng, timing, hay làm mượt chuyển động, v…v… Nếu không được áp dụng anticipation, chuyển động của vật thể có thể sẽ bị cứng nhắc.
Một số ví dụ của anticipation trong chuyển động bao gồm:
-
Cơ thể nhún xuống lấy đà trước khi bật nhảy
-
Gót chân nhấn xuống trước một bước đi
-
Miệng hơi mím chặt hơn trước khi mở ra nói
-
Nháy mắt trước khi nhân vật quay đầu
Có thể thấy từ các ví dụ trên, ứng dụng của anticipation có thể được thực hiện trong animation dưới rất nhiều hình thức. Các hình thức anticipation cho chuyển động hoàn toàn có thể rất kín, nhẹ nhàng, nhưng vẫn mang lại hiệu quả.
Hình ảnh trên đây là ví dụ của Richard Williams về anticipation của nhân vật hoạt hình khi nhún xuống lấy đà chuẩn bị bật nhảy.
Tại sao phải cần anticipation?
Anticipation không phải là một khái niệm mà các animators …tự nghĩ ra. Thực chất, anticipation là yếu tố được các animators đúc kết lại được qua việc quan sát các chuyển động ngoài thực tế.
Trước khi có một chuyển động nào đó (thường là những chuyển động nhanh hoặc dức khoát), vật thể sẽ có chuyển động anticipation như là một bước chuẩn bị. Bước anticipation đóng vai trò tích trữ năng lượng để kích thích cho chuyển động.
Hãy tưởng tượng một chiếc lò xo được nén lại (anticipation) trước khi bật lên và co dãn (movement). Việc lò xo được nén lại như là một bước chuẩn bị cho việc lò xo được bật lên một cách logic, và mượt mà hơn trong mắt người xem. Tương tự đó là ví dụ nhân vật nhún xuống lấy đà chuẩn bị bật nhảy như đã nêu ở trên.
Đố các bạn biết, với ví dụ về nguyên tắc anticipation ở hình ảnh trên đây, thì chú thỏ Bugs Bunny chuẩn bị thực hiện động tác gì?
Với việc áp dụng nguyên tắc anticipation trong chuyển động, các animators có thể truyền tải vào đó cái “hồn”, sức sống của nhân vật và chuyển động. “Sức bật” của chuyển động qua đó được thể hiện (và đôi khi được khuếch đại lên) một cách hấp dẫn, bắt mắt nhưng vẫn hoàn toàn hợp lý.
Trong nhiều trường hợp, anticipation có thể được kết hợp với squash and stretch (nguyên tắc thứ nhất trong 12 nguyên tắc mà DeeDee đã nhắc đến) để tạo hiệu ứng chuyển động cho vật thể.
Chúng ta có thể quan sát việc anticipation và squash and stretch được kết hợp và áp dụng trong ví dụ sau, với thí nghiệm trái bóng bật nhảy:
Anticipation là một phương thức rất dễ dàng nhưng vô cùng hiệu quả để báo hiệu cho khán giả xem rằng một điều gì đó mới mẻ đang sắp sửa xảy ra. Việc thị giác của khán giả được báo hiệu trước và chuẩn bị cho một điều gì đó sắp xảy ra có thể làm cho trải nghiệm xem hoạt hình trở nên thú vị hơn.
Tuy nhiên, bản chất của anticipation hoàn toàn không phải là để phá vỡ sự “bất ngờ” của chuyển động, mà thay vào đó, anticipation còn làm cho yếu tố “bất ngờ” của chuyển động thú vị hơn với sự chờ đợi (như một cách gia tang sự hồi hộp (cho hành động sắp sửa xảy ra). Khán giả xem hoạt hình vì thế sẽ còn chú ý hơn tới hành động đó thay vì bỏ lỡ.
Phương thức ứng dụng thường thấy nhất của anticipation đó là phương thức “cổ điển” : “di chuyển về phía đối diện trước” (“moving in the opposite direction first”). Nếu như nhân vật chuẩn bị di chuyển về phía bên trái, sẽ là một chuyển động tự nhiên nếu như nhân vật ấy hơi ngả về phía bên phải trước đó.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phương thức khá đơn giản của anticipation. Việc ứng dụng phương thức “di chuyển về phía đối diện” chỉ mang tính cơ bản mà chưa có điều gì riêng biệt và mới mẻ.
Đôi khi các animators cần phải linh hoạt trong việc ứng dụng anticipation, như trong ví dụ sau đây, việc nhân vật khẽ nháy mắt trước khi chuyển động quay đầu là ứng dụng hợp lý trong trường hợp này, thay vì quay đầu “về hướng đối diện” một cách máy móc.
Những lưu ý trong ứng dụng anticipation
Trên góc độ vật lý, nguyên tắc anticipation có thể giúp vật thể lột tả được sự chuẩn bị, và tích trữ động năng trước khi bắt đầu chuyển động (như ở ví dụ nhún xuống bật nhảy được nhắc tới phía trên).
Một số yếu tố mang tính quan trọng thiết yếu trong việc áp dụng anticipation mà các animators cần chú ý đến, là sự làm chủ được timing, động lực, vận tốc/gia tốc và dáng của chuyển động.
Bước chuẩn bị (anticipation) và di chuyển (movement) cần phải khớp với nhau ở các yếu tố trên như một công thức toán học – để chuyển động trông “thật” và “đáng tin” trong mắt người xem.
Sai sót này trong animation có thể bị chỉ ra ở nhiều nơi – trong đó các phim hoạt hình siêu nhân là nơi “điển hình” nhất. Để làm các siêu nhân ra dáng siêu anh hùng với siêu năng lực, các nhà làm phim thường muốn họ “nhanh” và “mạnh” hơn. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong quá trình animation, nếu anticipation một cách hợp lý (trong đó, có quá trình vận động năng lượng, gia tốc chuyển động, v…v…), chuyển động của nhân vật sẽ mất đi logic và không còn đáng tin. Thường các bước anticipation là không đáng kể, hoặc quá ngắn. Chuyển động của một siêu nhân sẽ hợp lý hơn nếu anticipation được áp dụng một cách tính toán và logic đằng sau đó.
Một trong số những cách để các animators có thể tự khảo sát và đánh giá anticipation của chuyển động của chính mình, đó là bằng cách …tua ngược lại hành động đó. Trong tình huống này, anticipation sẽ trở thành follow-through (2 nguyên tắc hoán đổi vị trí cho nhau). Nếu chuyển động có chút cứng nhắc và không hợp lý, đó là dấu hiệu cho thấy anticipation của chuyển động bị thiếu sót, hoặc cần phải chỉnh sửa.